Xuất khẩu dệt may: Cán mốc 20 tỷ USD

16/01/2014

Năm 2013 là một năm thắng lợi của ngành dệt may Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và nguyên phụ liệu ngành dệt may vượt qua con số 20 tỷ USD, duy trì tốc độ tăng trưởng 18%, vượt trên 1 tỷ USD so với mục tiêu đặt ra ban đầu.

Tăng trưởng xuất khẩu cao

 

Trong khối các nước xuất khẩu (XK) dệt may, năm nay, với tốc độ tăng 18%, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng XK lớn nhất. Đó là khẳng định của ông Lê Tiến Trường - Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Trong số 20 tỷ USD kim ngạch XK, 19,7 tỷ USD là hàng dệt may và xơ sợi, 700 triệu USD là hàng nguyên phụ liệu. Không chỉ tăng trưởng cao về tốc độ, XK dệt may còn tăng trưởng mạnh tại các thị trường trọng điểm như: Mỹ tăng 15%, Hàn Quốc tăng gần 30%.

 

"Một trong những giải pháp cơ bản tạo nên kết quả của ngành dệt may năm 2013 là đã xác định đúng tính chất tín hiệu của thị trường" - ông Trường cho biết. Dự báo tốt thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất và chuẩn bị đón lõng thị trường. Bởi 2 năm trước (2011-2012), thị trường dệt may toàn thế giới tương đối trầm lắng. Bước sang năm 2013, với dự báo thị trường dệt may toàn cầu tăng trưởng khoảng 3,5%, bắt sóng những tín hiệu về hợp tác quốc tế, tín hiệu về dịch chuyển dòng chảy của chuỗi cung ứng toàn cầu về phía Việt Nam, ngành dệt may đã chuẩn bị tổ chức sản xuất phù hợp, và đã tận dụng tốt được cơ hội này.

 

Đi trước, đón đầu TPP

 

Theo ông Lê Tiến Trường, sở dĩ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) quan trọng với ngành dệt may, bởi trong 12 quốc gia tham gia TPP gồm cả Việt Nam, có tới 2 thị trường lớn của ngành dệt may là Mỹ và Nhật: 43% kim ngạch XK dệt may của Việt Nam vào Mỹ, 12% vào Nhật và 4% vào các nước TPP còn lại. Như vậy, có tới 60% kim ngạch XK của dệt may Việt Nam được XK vào các nước trong khối TPP.

 

Những năm qua, đón đầu xu thế hội nhập, ngành dệt may đã đi theo hướng sản xuất ODM - XK hàng may mặc bao gồm cả thiết kế và FOB. Đây là những hình thức sản xuất phù hợp với những quy tắc xuất xứ mang tính phổ biến trong các hiệp định trên thế giới, với xu thế khuyến khích tỷ trọng nguyên liệu trong nội khối, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

 

Với riêng Vinatex, công tác chuẩn bị đón đầu TPP đã được lãnh đạo tập đoàn chuẩn bị từ lâu. Vinatex đã tập trung thực hiện chiến lược phát triển những mặt hàng có đẳng cấp cao, theo hướng ODM, giảm dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu từ nhập khẩu, tận dụng lợi thế cạnh tranh của tập đoàn là có đội ngũ thiết kế thời trang, thiết kế kỹ thuật có khả năng làm hàng ODM và FOB, có kinh nghiệm trong xử lý kỹ thuật những mặt hàng khó, nhờ vậy đã tạo ra giá trị gia tăng lớn, lợi nhuận cao. Trong kim ngạch XK 2,9 tỷ USD của Vinatex năm nay, nguyên liệu nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 1,15 tỷ USD, tập đoàn đã đạt trên 1,7 tỷ USD thặng dư từ làm hàng XK, cao hơn hẳn tỷ lệ chung trong toàn ngành.

 

Tín hiệu sáng cho năm 2014

 

Năm 2014, các tổ chức quốc tế như WB, IMF đều dự báo nền kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 3,6% so với 2,6% năm 2013. Đặc biệt, dự báo thị trường Mỹ sẽ có tăng trưởng GDP cao hơn; châu Âu đã thoát khỏi suy thoái âm, hy vọng tăng trưởng 1%, Nhật Bản vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, Hàn Quốc cũng vậy. Theo ông Lê Tiến Trường, năm 2014, kể cả trong điều kiện khi chưa có những thỏa thuận thương mại mới, những điều kiện đặc biệt cho riêng Việt Nam mới, thì ngành dệt may Việt Nam vẫn hy vọng sẽ đạt được ngưỡng tăng trưởng trên 12% kim ngạch XK.

 

Bên cạnh thị trường Mỹ và Nhật Bản, thị trường châu Âu cũng còn rất nhiều cơ hội để tăng thị phần cho ngành dệt may. Với hơn 250 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu vào EU/năm, hiện thị phần của Việt Nam mới chỉ chiếm 1% (2,4-2,5 tỷ USD), trong khi ở Mỹ là 8%, Nhật là 4-5%. Ông Trường khẳng định, phát triển thị trường châu Âu, đẩy mạnh thị phần ở đó là mục tiêu trong những năm tới của ngành dệt may. Ngoài 4 thị trường đạt trên 1 tỷ USD là Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, hiện ngành dệt may cũng rất quan tâm đến 2 thị trường lớn là Ấn Độ và Trung Đông. Năm 2013, XK hàng dệt may Việt Nam vào Ấn Độ cũng tăng trưởng rất tốt. Hiện kim ngạch XK vào thị trường này còn khiêm tốn nhưng hứa hẹn đầy tiềm năng và đây là điều thú vị khi chúng ta XK được vào chính một quốc gia là cường quốc về XK dệt may.

 

Song song với hoạt động XK, ngành dệt may sẽ tập trung quy hoạch lại hệ thống thị trường nội địa, có sự phân cấp rõ ràng. Hiện trên thị trường, những DN đẳng cấp cao cấp của Vinatex như Việt Tiến, May 10, Nhà Bè đã thiết lập hệ thống cửa hàng riêng. Ông Trường cho rằng, những DN loại trung bình cần bám theo hệ thống Vinatexmart, để hình thành chuỗi phân phối, bởi nếu DN nào cũng mở riêng hệ thống phân phối thì hiệu quả sẽ rất thấp; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu khả năng cung ứng sâu hơn cho vùng nông thôn, hiện nay mới dừng ở vùng đô thị, ở những vùng sâu, vùng xa của nông thôn, năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam còn nhiều hạn chế.


(Nguồn từ: Báo Công Thương)