Việt Nam, đối tác chiến lược mới của Pháp tại châu Á
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và trường Đại học Quản trị và Kinh doanh ESSEC (ESSEC Business School) ngày 5/11 đã chủ trì hội thảo giới thiệu môi trường đầu tư tại Việt Nam với chủ đề "Việt Nam, đối tác chiến lược mới của Pháp tại châu Á". Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu gồm các lãnh đạo và chuyên gia làm việc tại các ngân hàng, tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Pháp.
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều triển vọng. Pháp hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ hai tại Việt Nam với 375 dự án có tổng số vốn đăng ký 3,14 tỷ USD và là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam với tổng giá trị kim ngạch trao đổi hai chiều là 3,2 tỷ USD vào năm ngoái và khoảng 1,6 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm nay. Tại Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra vào tháng 12/2012, Pháp đã cam kết dành 340 triệu USD vốn ODA tài trợ cho Việt Nam trong năm 2013 (chỉ đứng sau Nhật Bản). Với số lượng trên 300 doanh nghiệp của Pháp hiện có mặt tại Việt Nam, triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đặc biệt trong những lĩnh vực như: Dệt may, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, năng lượng, hàng không - vũ trụ, nông nghiệp và công nghiệp dịch vụ... Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước còn giúp Việt Nam phát triển quan hệ với các đối tác là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), tạo thuận lợi để Pháp tham gia sâu rộng hơn vào thị trường Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam và EU ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và đang đàm phán ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ đem lại những thuận lợi mới cho quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước
Các dự án của Pháp được triển khai trên 16 ngành, lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào may mặc, công nghiệp chế biến, chế tạo, điện nguyên tử, hàng không, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, giầy da cao cấp, công nghệ bảo vệ môi trường và xử lý rác thải, giáo dục, dịch vụ khách sạn và ăn uống. Đây cũng là những lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và đang tăng cường tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi và bình đẳng để thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư từ Pháp. Đặc biệt, cần chú trọng hơn nữa tới các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các dự án đầu tư của Pháp tại Việt Nam, mở rộng đào tạo tiếng Pháp cho cán bộ quản lý và lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Pháp; tăng cường việc thông tin thường xuyên cho các doanh nghiệp Pháp về các lợi thế của Việt Nam như lực lượng lao động trẻ, thị trường nội địa tiềm năng, cơ hội thâm nhập thị trường ASEAN trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và ASEAN đang hướng tới xây dựng Cộng đồng vào năm 2015.
Với những nỗ lực hết mình để cải thiện chất lượng hợp tác, đưa quan hệ song phương lên tầm Đối tác chiến lược, chắc chắn những thành tựu đã đạt được trong hợp tác kinh tế, đầu tư song phương trong những năm qua sẽ là cơ sở để tăng cường sức mạnh, niềm tin, sự đồng thuận. Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước sẽ tiếp tục chung sức đưa mối quan hệ Việt Nam - Pháp bước sang một trang mới toàn diện, thực chất và bền vững hơn.
( mở rộng )